Để dễ tìm hiểu hơn

Khi làm việc có rất nhiều thứ mình không biết, phần nhiều vì chưa đủ độ chín, chưa đủ trải nghiệm nên không biết.

Chính vì lẽ đó mà chủ tịch từng có lần nói: Mày không đủ trải nghiệm, mày không làm được việc đó đâu. Làm được việc này, người ta phải đi nhiều, trải nghiệm nhiều mới biết được.

Đang thiết kế cái này, cái kia, có nhiều thứ pháp lý hay tiêu chuẩn không biết, lại nhấc điện thoại lên hỏi đồng nghiệp: “Anh ơi, cái này cái kia thế nào nhỉ?”: 9 trên 10 lần nhận được câu trả lời với thái độ gắt gỏng: “Tại sao làm việc ở vị trí đấy, mà cái đấy không biết? Đừng hỏi anh mấy thứ đấy! Và dập máy. Còn mình thì ngơ ngác.

Lần 2, lần 3, rồi rất nhiều lần sau đó đều như vậy.

Riết rồi cũng nhận ra, không phải ai cũng tận tình giải thích cho mình, họ còn đang lo bao việc của họ.

Mãi sau nhận ra: Thôi tự mình tìm hiểu. Cái gì cũng có cách.

  1. Google có đủ mọi thứ: Và nó đầy đủ, chi tiết hơn việc mình bắt một ai đó giải thích cho mình nguyên một buổi tối khi mà họ đang rất bận lo toan chuyện của họ. Google có sẵn những bài viết rất dài, được viết khi ai đó sắp xếp được thời gian của họ.
  2. Chỉ search bài viết thôi chưa đủ: Nên tìm thông tin đa kênh hơn, ngoài google ra thì tìm trên youtube, tìm trên google earth, tìm trên fb, bất cứ nền tảng nào mình nghĩ rằng có thể nó tồn tại.
  3. Dùng từ khoá đi kèm: thêm dạng file với cụm từ filetype:”<đuôi-file>” hay chính xác cụm từ gì đó bằng việc đặt nó trong dấu ngoặc kép.
  4. Cố gắng lưu lại và ghi nhớ nguồn của một thông tin gì đó sẽ phải tìm lại rất nhiều. Đừng bỏ qua nó.
  5. Biết chắc chắn ai đó biết vấn đề này, và có thể dành thời gian, hãy hỏi. Nếu không có ai, quay lại cách 1.
  6. Với những thông tin tìm được, biến nó thành của mình bằng việc viết lại, chụp lại, lưu lại. Khi đó mới nhớ được.
  7. Đám mây hoá mọi thứ, đồng bộ ngay lập tức: Những thông tin cần phải xem được ở bất cứ đâu, cuộc sống quá ngắn để phải lục lọi hay phải đến công ty, hay về nhà mới lấy được file.

Mọi thứ ấy thế mà dễ thở hơn một chút:

Câu chuyện như thế này:

Ngày trước làm về một chủ đề, mà cứ mơ hồ suốt một thời gian dài, cứ làm mà vừa làm vừa sợ. Do tìm bài viết trên google không ra, chỉ rặt toàn bài dạng bản tin, chẳng có tí thông tin gì trừ 1 - 2 cái ảnh.

Rồi đến ngày cuối cùng, mới tìm ra một clip nói từ xưa đến nay của chủ đề đó trên youtube, mọi thứ rõ ràng hơn bao giờ hết … Lúc đấy nghĩ: Trời ơi sao từng đấy tháng, không lên youtube tìm sớm hơn?

Youtube có đầy đủ mọi thứ hơn một bài viết: Nó có 24 hình/s, Nó có dòng thời gian, có cảm nghĩ và đánh giá của người làm clip, nó cho phép mình trải nghiệm qua màn ảnh mà không nhất thiết phải tới đó.

Tuy nhiên, không nên chỉ xem như đang xem một bộ phim tại rạp, việc cần làm là vừa xem vừa viết ra, note thời gian thực theo clip đó, tất cả những cảm xúc mà mình nghe thấy, và mình nhận ra. Lúc đó, mình là bạn của nhân vật trải nghiệm trong clip, đi cùng họ.

Nếu không có thời gian, hãy tua nhanh. Không cần con mắt với hòn đá thời gian của Dr. Strange, 1 hành trình 40p trong thực tế sẽ chỉ cần 20p, có thể làm một tách cà phê, không phải sắp xếp thời gian sáng nay đi đâu, làm gì.

File PDF có nhiều thứ hơn một bài báo, vậy nên nếu cần những thông tin đó, thêm cụm filetype:pdf sau từ khoá.

Google earth cũng có những thứ mình cần, nếu cần biết một địa điểm như thế nào, google earth cho thấy vị trí, hình ảnh nơi đó. Nếu là nước ngoài, thật may mắn khi có cả 3D và street view để hiểu rõ ràng hơn mọi thứ.

Vậy nên, đừng làm mất thời gian người khác nếu có thể tìm được bằng internet. Ai cũng bận cả.

Nếu giỏi IT, sẽ hack cả một trang web nếu nó chứa thông tin mình cần.