Càng ngày càng thấy có vẻ sắp bị anzeimer, lại nghĩ đến Ký ức của ngày mai (Memories of tomorrow/Ashita no Kioku) Một bộ phim kể về một người đàn ông trung niên người Nhật, mất bao năm trời gây dựng sự nghiệp, làm việc tận tâm rồi bỗng một ngày nhận ra mình sắp bị mất trí nhớ. Lúc đấy ông mới vội vàng gọi những đồng nghiệp của mình ra, vẽ lại chân dung họ để phòng ngày quên mất tất cả.
Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, ông bị mất trí nhớ. Chứng bệnh nặng đến nỗi ông còn quên cả người vợ của mình. Người vợ đúng kiểu phụ nữ Nhật Bản đặc trưng, bà không đi làm, chỉ ở nhà làm nội trợ. Và giật mình phát hiện ra mình phải đi làm gì đó kiếm tiền, vì người chồng đã không thể đi làm được nữa.
Câu chuyện kết thúc bằng những trải nghiệm nhẹ nhàng mà giản đơn, cũng chẳng còn phức tạp nữa. Giữa cuộc sống bề bộn, ông, người mất trí, cứ rong chơi, dạo chơi trên con đường một mình. Chẳng bồn chồn, chẳng rảo bươc vội vã. Điều này đôi khi cũng là một niềm hạnh phúc.
Nhân vật lúc ấy chẳng nhớ gì nữa mà tiếc nuối.
Nỗi tiếc nuối chuyển qua khán giả, họ cứ giữ cái tiếc nuối ấy tới tận cuối phim, tiếc nuối cho cả một sự nghiệp của người đàn ông, tiếc nuối thay cho cả người vợ, và tiếc nuối một thứ gì nữa khó gọi tên.
Sự tiếc nuối ấy cũng một lần xuất hiện trong bộ phim 2012, Năm Đại Hoạ. Điều này với người khác có thể không mạnh mẽ, nhưng với một sinh viên kiến trúc thời điểm ấy, chưa bao giờ xây được một cái gì, và ngay cả bây giờ, chứng kiến những toà nhà chọc trời đẹp đẽ mất bao nhiêu công sức của các kiến trúc sư và kỹ sư tạo nên bỗng dưng đổ sập ngay trước mắt. Đó là một yếu tố tâm lý khiến mình vẫn đánh giá cao nội dung của bộ phim hơn cả những kỹ xảo 3D tuyệt đẹp của bộ phim cùng thời điểm - Avatar.